Bài suy niệm
Hồng ân cao cả của Thiên Chúa ban xuống qua bốn mùa xuân hạ thu đông. Mưa, gió, nắng của bốn mùa thay đổi nối tiếp nhau làm cho cây cối lớn lên và phát triển: mùa gieo hạt, mùa thu họach, mùa đông nghỉ ngơi, và mùa xuân làm nẩy mầm sức sống mới. Đó là những thực tế sinh họat của bất cứ nhà nông nào trên thế giới. Sinh thái nầy phần nào cho thấy niềm hy vọng nơi cuộc sống thực vật. Sau mùa đông rét mướt là mùa xuân ấm áp với trăm hoa đua nở tươi xinh. Sau mùa gieo hạt là mùa thu họach. Trong cái nhìn đó Chúa Giêsu nói về số mệnh của chính mình: “Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không chết đi nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nó chết đi nó sẽ sinh nhiều bông hạt”.
Nhận xét trên đây cho chúng ta hiểu ý nghĩa về đời sống tâm linh. Có một mối tương quan giữa sự gieo xuống, thối rửa và nẩy mầm phát triển, giữa đau khổ chúng ta chịu bây giờ và vinh quang sẽ được mặc khải sau nầy (x. Bài Đọc 2. Rm 8, 18-23), viễn cảnh đó được tiên tri Isaia phát biểu: “Như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc… Lời từ miệng Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta” (x. Bài Đọc 1. Is 55,10-11).
Bảy thế kỷ sau thời tiên tri Isaia, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn nông nghiệp để nói về Nước Trời. Vì Nước Trời là một thực thể huyền bí có phần mung lung uyển chuyển và khó hiểu cho nên Chúa Giêsu phải nại đến các dụ ngôn để diễn tả. Nước Trời giống như người gieo giống đem thóc đi gieo, như người phụ nữ vùi men vào trong thúng bột, như chủ vườn nho ra thuê thợ làm vườn … Dụ ngôn người gieo giống được hiểu: Lời Chúa là hạt giống gieo vào lòng đất. Lời Chúa là chính Chúa Giêsu. Người gieo là Chúa Cha. Đất là các tâm hồn. Có bốn trạng thái đón nhận Lời Chúa : Hạt rơi bên vệ đường, hạt rơi vào đá sỏi, hạt rơi vào bụi gai, ba loại nầy đều không sinh hoa kết quả bền lâu, chỉ có loại thứ tư được gieo vào đất tốt là sinh hoa trái : “Hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục “(x. Bài Tin Mừng. Mt 13, 1-23).
Như sinh họat của một hạt giống, Lời Chúa có sức mạnh nội tại làm nẩy mầm, cho dù chậm nhưng vẫn tiếp tục lớn lên. Đón nhận Chúa Giêsu, người Kitô hữu lớn lên trong đời sống đạo đức và sinh hoa kết trái trong đời sống thiêng liêng, đó là điều chắc chắn. Có người bỏ đạo lâu năm vào giờ phút cuối đời ăn năn xin trở lại với Chúa, có người vì thời cuộc, đức tin bị vùi dập, khi bình tỉnh lại khám phá ra mình là Kitô hữu đã sám hối trở về với Thiên Chúa.
Sức mạnh của Lời Chúa, Hạt Giống nầy có sức bật tự nội làm biến chuyển tâm hồn. Điều quan trọng là biết kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng người khác trở về, chờ đợi họ cùng nhịp bước với chúng ta đi vào đời sống huynh đệ, tiến về nhà Cha. Đó cũng là cách thực thi bác ái. Hãy đặt tất cả khả năng, tài trí, vật chất lẫn tinh thần để lắng nghe Lời Chúa, và đem ra thực hành bằng phục vụ, chia sẻ và yêu mến, đó là cách nhân lên gấp bội hạt giống Lời Chúa mà chúng ta đã đón nhận.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đón nhận Lời Chúa trong đời sống thường nhật qua tham dự Thánh lễ, năng chịu các phép bí tích, siêng năng tham gia các việc đạo đức lành thánh và tích cực làm việc thiện. Amen
Lm.Luy Nguyễn Quang Vinh, gxPhương Hòa, Kon Tum
Đăng nhận xét