THIẾU NHI THÁNH THỂ

 


Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48.

KIỆN TOÀN LỀ LUẬT

Bài Suy Niệm

Các ngươi phải thánh thiện,

vì Thiên Chúa của các ngươi là Đấng Thánh…

Ngươi không được để lòng ghét người anh em,

Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”.

       Bài huấn đức nầy không lấy ở trong sách Tân Ước nhưng trích từ sách Lê-vi (x. Bài Đọc 1. Lv 19,1-2.17-18), thời Tân Ước chưa xuất hiện, nhưng tinh thần Tân Ước đã được gặp thấy nơi sách Lê-vi, một quyển sách trung tâm của bộ Ngũ Thư (Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân số, Đệ Nhị Luật),sách quy định các luật lệ thánh thiêng mà người Do-thái phải tuân giữ trong phụng tự và trong luân lý.  Sự thánh thiện của Thiên Chúa cực kỳ tinh tế đòi hỏi luôn cả những người tin vào Thiên Chúa cũng phải thánh thiện như Người.  Quy tắc phụng tự và tình yêu đồng loại đã được sách Lê-vi ban thành lề luật tôn giáo.  Tình yêu đồng loại được diễn tả sâu sắc và thị vị: như ngươi không được gặt lúa sát bờ, không được quay trở lại nhặt những trái nho còn sót, vì dành phần cho người nghèo đi mót; ngươi không được cầm cố áo choàng của người nghèo qua đêm vì sợ họ chết lạnh, không được giữ tiền công người lao động qua ngày hôm sau … Thật tuyệt vời tình yêu tha nhân được sách Lê-vi tóm tắt : “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”(Lv,19,18) .

 

         Tuy nhiên xét cho cùng thời Cựu Ước luật yêu thương đồng loại không vượt ra khỏi ranh giới lãnh thổ của các chi tộc, luật chỉ gói gọn nơi mười hai chi tộc trên vùng đất họ đang sống.  Phải chờ đợi đến thời Tân Ước, Đức Giê-su kiện toàn luật yêu thương khi nói: “ Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ?  Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (x. Bài Tin Mừng Mt 5,38-48).  Đức Giê-su không xóa bỏ lề luật Cựu Ước như nhiều người đương thời nghĩ, khi họ thấy Ngài giảng dạy như đấng có uy quyền, Ngài rao giảng một tôn giáo mới, một tôn giáo có chiều sâu nội tâm, một tôn giáo không rập khuôn theo dáng vẻ bên ngoài, không nệ luật. “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.  Còn Thầy, Thầy bảo anh em hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (x. Bài Tin Mừng). 

 

       Thật sự đó là luật mới lạ và cao cả : “Hãy yêu kẻ thù”, luật mới nầy vượt xa luật báo thù (Talion) trong Cựu Ước : “mắt thế mắt, răng thế răng”, nó cũng vượt xa suy tư của Khổng Tử khi ông dạy “Kỷ sở bất dục vật thi ưu nhân”, điều mình không muốn, thì đừng làm cho người khác.  Khổng Tử mới dừng lại ở tiêu cực “đừng làm”, còn Đức Giê-su đi tới tích cực “Hãy yêu kẻ thù”.  Đức Giê-su kiện toàn lề luật như thế đó và Ngài đòi hỏi môn đệ phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng  hoàn thiện, một đòi hỏi lý tưởng luôn vượt lên trên tầm với của con người.

 

         Đức Giê-su còn dạy: “ Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.  Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.  Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.  Ai xin, thì hãy cho ; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi”.  Chính khi làm như thế người tín hữu trở nên giống Cha trên trời là đấng trọn lành, một khôn ngoan tuyệt vời đối với Thiên Chúa, nhưng lại là ngu xuẩn đối với thế gian như thánh Phao-lô đã nhận xét trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô. Điên rồ đối với Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của thế gian.  Những gì Đức Giê-su giảng dạy, Người đã thực thi nơi chính bản thân của Người một cách triệt để, khi lâm vào cuộc khổ nạn, khi tay chân bị đóng đinh vào cây gỗ, miệng Người đã thốt ra: “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng chẳng hiểu biết việc chúng làm”.  Thật cao cả, Đức Giê-su đã kiện toàn lề luật bằng lời rao giảng và bằng gương sống.  Gương lành nầy luôn được tiếp tục nơi các môn đệ của Đức Giê-su trong Giáo Hội qua cuộc đời dấn thân của các tu sĩ, họ đang sống sự điên rồ của Đức Giê-su, một sự khó hiểu, một chất vấn cho người thời đại.

 

          Lạy Chúa Giê-su, theo lời Chúa dạy, con không còn lý do gì nữa để coi kẻ khác là kẻ thù, vì tất cả đều là anh em, con cùng một Cha ở trên trời. Xin cho con thực điều Chúa đòi buộc: “Hãy yêu mến kẻ thù”. Amen

Lu-y  Nguyễn Quang Vinh, Lm Kontum

Đăng nhận xét

 
Top