Bài GiảngLễ. Anh chị em thân mến
Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Đavít (Lc 2, 1-14).Đó là tin vui vĩ đại cho thế giới hôm qua cũng như hôm nay. Sự kiện lịch sử khó tin nhưng có thật. Đêm Giáng Sinh, chúng ta đọc lại tin vui đó, để xác tín hơn việc Thiên Chúa đã thi ân cho nhân loại: Người đã gửi Con của Người xuống trần gian, nhập hộ khẩu trong một trong một gia đình Do thái thành Nadarét.
Chỗ đứng của gia đình. Xã hội tân tiến ngày nay càng được công nghiệp hoá hiện đại hoá, càng có nhiều sáng kiến lập ra các hiệp hội, công ty, xí nghiệp, nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi lẫn nhau. Các hình thái cộng đồng nầy như đang đe dọa nhận chìm tổ ấm gia đình, là cộng đoàn tiên khởi tự nhiên và cơ bản của nhân loại. Thật ra cho đến hôm nay, gia đình không mất đi chút nào vai trò then chốt của mình trong xây dựng xã hội. Trái lại gia đình ngày càng mở rộng cho các thành viên của mình tham gia các hiệp hội nơi họ sinh sống. Không tập đoàn hay công ty xí nghiệp nào có thể thay thế đơn vị tự nhiên cuối cùng nầy của xã hội loài người: Gia đình không thể bị vượt qua bởi bất cứ hiệp hội nào. Gia đình có giá trị thiêng liêng cao quý và vững chắc không thể cạnh tranh. Chỗ đứng của gia đình trong xã hội loài người là bất khả thay thế. Người ta có thể thay đổi công ty, xí nghiệp nhưng người ta không thể thay đổi gia đình, vì gia đình là cơ sở nền tảng của mọi xã hội và là sự nâng đỡ tinh thần lẫn vật chất của con người. Gia đình là chiếc nôi chuyển giao sự sống, là tổ ấm làm phát sinh tình yêu.
Vai trò của gia đình. Do đó gia đình là môi trường ươm mầm sự sống và văn minh tình thương. Con người sinh ra trước hết chịu ơn cha mẹ, sự đùm bộc của gia đình là điều bất khả thay thế cho tất cả mọi con người sinh ra trong gia đình nhân loại. Trên hết gia đình là sự nâng đỡ và là môi trường phát triển các đức hạnh cần thiết nơi con trẻ: tình yêu thương, lòng nhân ái, đức công bằng và tình huynh đệ được phát triển nơi trẻ thơ qua ảnh hưởng gia đình. Đời sống Ki-tô hữu cũng hình thành từ gia đình. Cha mẹ là giáo lý viên đầu tiên của con cái, là thầy dạy luân lý ăn ngay ở lành, biết kính sợ và tôn thờ Thiên Chúa. Gia đình là sự bảo vệ thể lý và luân lý đạo đức cho mọi con người sinh vào trần gian. Ảnh hưởng gia đình là bất khả thay thế trong đào tạo lương tâm của con người thành toàn.
Gia đình trong Kinh thánh. Thế nhưng, lần giở Kinh thánh chúng ta thấy, mọi gia đình nhân loại đều bất toàn và khiếm khuyết. Gia đình đầu tiên của nhân loại, ông Ađam và bà Evà đã đi theo con đường bất trung với lệnh truyền của Thiên Chúa, khiến gia đình chia rẽ, anh em chém giết lẫn nhau. Vì ganh tỵ Cain đã giết em ruột mình là Aben. Gia đình của tổ phụ Apraham cũng đã có sự chia rẽ trầm trọng, vì kỳ thị giai cấp mà Apraham đã đau lòng xua đuổi bà vợ thứ của mình là Aga và đứa con trai thơ bé là Ítmaen vào sa mạc để làm vừa lòng bà vợ cả là Sara. Gia đình của ông Nôe sống đạo đức lành thánh, đã được Thiên Chúa cứu khỏi đại họa hồng thủy, nhưng sau đó con cái Nôe đã làm điều mất lòng Chúa khi xây tháp Baben, cạnh tranh quyền lực với Thiên Chúa. Gia đình của tổ phụ Giacóp, một gia đình có đến 12 anh em nhưng cũng đã là nồi da xáo thịt, xâu xé nhau đến nỗi các anh đã bày kế bán em út là Giuse sang Ai-cập … Thật bất hảo gia đình nhân loại! Cần phải có một ánh sáng mới chiếu dọi vào gia đình nhân loại để họ biết sống theo thánh ý Thiên Chúa.
Gia đình thánh gia. Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã ban con một của Người sinh xuống nơi gia đình Nadarét, gia đình nầy nên gương mẫu cho tất cả mọi gia đình, đó là gia đình của Thánh Giuse, Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Một gia đình sống vâng theo thánh ý Thiên Chúa, mà chúng ta thường gọi là Thánh Gia Thất. Thánh Giuse là chủ gia đình, ông là người công chính, sống đời chiêm niệm lắng nghe Thiên Chúa, đã được báo mộng, ông đã đón bà Maria vợ mình đang mang thai về nhà. Đức Maria là người vợ thanh khiết đã am hiểu ý Thiên Chúa nên đã thưa với Thiên Thần: “Xin vâng, nầy tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thành sự nơi tôi như lời thiên thần truyền”. Còn thiếu nhi Giêsu, là con của Mẹ Maria, là thành viên nhỏ nhất trong gia đình, đã dõng dạc thưa với cha mẹ Người: “Con phải lo việc cho Cha con”. Thật tuyệt vời ! Một gia đình thánh thiện luôn tìm và sống theo ý Thiên Chúa.
Thánh Giuse lãnh đạo gia đình. Tin Mừng Mátthêu nhấn mạnh đến vai trò của thánh Giuse trong lịch sử cứu độ, ông luôn đứng về phía Thiên Chúa để thi hành thánh ý của Chúa, nhất là trong những hoàn cảnh khủng hoảng của gia đình: di cư sang Ai-cập, trở về lại Nadarét, chạy tìm Chúa Giêsu đi lạc … Vai trò của ông Giuse là vai trò của người lãnh đạo gia đình theo ý Thiên Chúa. Khi “Được báo mộng” ông Giuse không là người thi hành tối mặt, nhưng là người cẩn trọng, suy nghĩ, cầu nguyện, và lãnh lấy trách nhiệm phục vụ gia đình. Ngủ giấc không yên, ông cân nhắc trong đức tin bổn phận của mình. Kinh nguyện luôn đặt ông trong tương quan với Thiên Chúa, luôn luôn dễ bảo và sẵn sàng phục vụ ý Thiên Chúa. Trước mối đe dọa của Hêrôđê, “đang đêm ông trở dậy đem hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập …”.
Những gì nói về nhà Nadarét không soi sáng chúng ta khi sống trong gia đình Giáo Hội hiện nay hay sao? Gia đình Giáo Hội luôn gặp những gian nan thử thách, có khi Giáo Hội như chết lịm đi vì sóng gió, tuy nhiên Giáo Hội không ngớt mang lại cho nhân loại “Đấng là Đừơng , là Sự Thật và là Sự Sống”. Những gì nói về gia đình Nadarét cũng là nói về gia đình chúng ta nữa.
Chúa Giê-su dấn thân trong gia đình. Để cứu độ gia đình nhân loại Thiên Chúa đã sai người Con Duy Nhất của Người xuống trần gian, nhập tịch và sống trong một gia đình lao động nghèo hèn tại Nadarét. Người Con nầy là Đấng Cứu Tinh nhân loại đã được các tiên tri loan báo, đã được muôn dân mong đợi từ bao thế kỷ, được Đức Mẹ Đồng Trinh Maria cưu mang và sinh hạ. Đó là Hài Nhi Giêsu “được vấn trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ”. Người đến để thánh hoá gia đình nhân loại để chỉ cho các gia đình tình yêu thương, lòng trung tín và sự vâng phục cũng như quy luật lao động. Nhận lấy thân phận làm người như chúng ta, Ngưới cũng dấn thân trong bấp bênh, trôi nổi của cuộc sống trần gian: di tản, chạy loạn, lạc mất cha mẹ, bị bạn bè bỏ rơi, bị bán, bị trù dập, bị bỏ tù, bị hàm oan và cuối cùng đã chết nhục nhã trên thập giá. Nhờ cái chết tự nguyện của Ngài, toàn thể nhân loại được hưởng ơn làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm người để con người được làm Thiên Chúa. Đó là niềm vui sâu xa mà Chúa Giáng Sinh đem lại. Chúa Hài Nhi chỉ cho chúng ta con đường về trời.
Bài học gia đình Bêlem. Hỡi những gia đình bị đe doạ đánh mất tình yêu, đánh mất sự trung tín, đánh mất bình an, bị đe doạ bởi văn minh sự chết, hãy nhìn lên Hang Đá Bêlem và hãy học nơi Hài Nhi Giêsu bài học về gia đình, nhất là để tìm lại cho mình nguồn cảm hứng về hạnh phúc gia đình, sự yêu thương và tình liên đới; hãy đọc lại ơn gọi làm chồng và làm cha, làm vợ và làm me, cũng như học làm người con ngoan trong gia đình. Ngày hôm nay, gia đình bị xâm lấn bởi tiền bạc, tình dục và bạo loạn, sự bất trung lan tràn. Tổ ấm gia đình đã trở nên tổ lo, chiếc nôi sự sống đã thành quan tài cưu mang chết chóc. Những việc làm bất nhân như nạo phá thai làm băng hoại gia phong và làm mất đi ý nghĩa cao quý của gia đình. Con người như đánh mất căn tính của mình. Tính lịch sử của gia đình Nadarét làm chúng ta xác tín niềm tin căn bản vào Mầu Nhiệm Nhập Thể. Mầu Nhiệm Giáng Sinh không phải là một lý thuyết suông, hay một phóng chiếu tư tưởng nhằm thoả mãn nhu cầu tôn giáo nơi con người, nhưng là một biến cố lịch sự, đã xảy ra trong không gian và thời gian: “Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì” (Mt 2, 1).
Thiên Chúa cư ngụ vĩnh viễn nơi trần gian. Việc Thiên Chúa xuống thế làm người là một cớ gây vấp phạm, không thể chấp nhận được đối với não trạng Hy lạp, vì theo họ không bao giờ có chuyện lạ đời như thế, thần thánh luôn ở trên núi Olempia và mãi mãi ở đó xa cách loài người. Quan niệm nầy thật sự đi ngược lại hoàn toàn Tin Vui mà thế giới công giáo loan báo cho nhân loại hôm nay: Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, một người con đã chào đời cho chúng ta. Thiên Chúa đã xuống thế làm người để nói cho nhân loại biết tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa đối với con người. Đây là mầu nhiệm yêu thương vô bờ bến vượt trên suy nghĩ của con người. Đứng trước mầu nhiệm cao cả nầy chúng ta chỉ biết cúi đầu tạ ơn. Và loan báo cho người khác niềm vui cứu độ mà Thiên Chúa đem đến. Amen
Lu-y Nguyễn Quang Vinh, Lm Phương Hòa Kontum
Đăng nhận xét