Is 11,1-10; Rm15,4-9; Mt 3, 1-12
SA MẠC
Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng nói đến sự quan trọng của thời điểm Thiên Chúa mặc khải ơn cứu độ, ngày Chúa đến đột ngột và sự hoàn tất mầu nhiệm vượt qua. Chúa nhật hôm nay nói đến ý nghĩa quan trọng của nơi chốn Thiên Chúa mặc khải ơn cứu độ: hoang địa. Hoang địa hay sa mạc nói về vùng đất khô cháy, cát nóng và thinh lặng. Trong Kinh thánh, sa mạc có ý nghĩa riêng của nó. Sa mạc Nê-ghép, nơi xưa kia Apraham và các tổ phụ đã gặp gỡ Thiên Chúa, và lần đầu tiên các ngài đã nghe tiếng nói của Thiên Chúa và Lời hứa của Người trong sa mạc. Sa mạc của núi Sion, nơi Môsê lãnh nhận bia đá Thập Giới của Thiên Chúa và ký kết giao ước với Người.
Vào thời Tân Ước, ông Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng trong hoang địa vùng Giuđê, ông nghiêm khắc kêu gọi dân chúng hoán cải: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Bài Tin Mừng. Mt 3, 1-12). Sa mạc như điểm hẹn của dân Thiên Chúa mang tính tiên tri đến gặp gỡ Người. Dân Thiên Chúa đã trải qua bốn mươi năm trong hoang địa để thuận lợi gặp gỡ, lắng nghe Thiên Chúa và được Thiên Chúa giáo huấn. Chính Chúa Giêsu khi đến trần gian cũng gặp gỡ vị Tiền hô của mình trong sa mạc. Cuộc gặp gỡ nầy đánh dấu giai đoạn sang trang trong lịch sử ơn cứu độ, một giai đoạn quyết định bước từ Cựu Ước sang Tân Ước. Chính trong hoang địa, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào đó để ăn chay cầu nguyện và suy tư về quyết định dấn thân cứu chuộc của Người, cũng ở đó Người bị cám dỗ, và Người đã chiến thắng Satan.
Như thế cho chúng ta hiểu rằng hoang địa trong ngôn ngữ kinh thánh chính là nơi thiêng liêng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sử lối cho thẳng để Người đi” (c. 3). Hoang địa là nơi biểu tượng cho sự gặp gỡ, cho lựa chọn, cho chạm trán; nơi nghèo nàn và từ bỏ, nơi hoán cả và mời gọi vứt bỏ tất cả sự phồn vinh giả tạo, sự an toàn giả hiệu viện cớ mình là con cháu của tổ phụ Apraham (c.9), cậy mình có đức tin lâu năm, rửa tội lâu đời. Sa mạc nơi dành cho gió cuốn nhưng cũng là nơi dành cho sức thổi của Thánh Thần, làm con người trở nên nghèo hèn, dứt bỏ tất cả để chỉ bám víu vào một mình Thiên Chúa, Đấng có thể thực hiện ơn cứu độ của Người một cách kỳ diệu.
Tiên tri Isaia mô tả điều kỳ diệu đó, như thế giới mới, thế giới được cứu độ: “Chó sói sẽ ở chung với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau … bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang” (Bài đọc 1.Is 11,1-10). Sa mạc còn nhắc cho con người thân phận lữ hành (homo viator), luôn di chuyển liên tục để tìm nguồn nước trong lành, nghĩa là sự sống. Trong sa mạc con người luôn ra đi, bỏ lại đàng sau tất cả, luôn đi tìm sự mới lạ thể hiện cuộc sống của mình, do đó họ không mang trên vai nhiều hành lý cồng kềnh cản trở gặp gỡ Thiên Chúa, càng nhẹ nhàng con càng tự do và sống phó thác cho Chúa. Sa mạc nơi chốn thuận tiện cho tâm hồn chuẩn bị gặp gỡ Chúa Cứu Thế.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con mong đợi Chúa đến viếng thăm trần gian, xin Thánh Thần Chúa làm cho con can đảm quét sạch tội lỗi, rủ bỏ mọi tính hư nết xấu, đứng dậy khỏi yếu đuối, uốn ngay thẳng tâm hồn để đón mừng Chúa Cứu Thế. Amen
Lm. Luy Nguyễn Quang Vinh, gx Phương Hòa, Kon Tum
Đăng nhận xét